Sự nghiệp Hoàng Tông Hy

Thời Minh

Hoàng Tông Hy theo di chúc của cha, tìm đến học Lưu Tông Chu. Ông miệt mài học tập các sách của bách gia. Năm 19 tuổi (1628), ông đã đọc hết 21 bộ sử và Minh thập tam triều thực lục (13 đời vua triều Minh). Không chỉ nghiên cứu lịch sử, Hoàng Tông Hy còn học sách của bách gia, tướng số, toán học, Phật học, Đạo gia. Mặc dù tự nhận thấy trí nhớ của mình không tốt nhưng ông không nản chí mà càng cần cù miệt mài học tập hơn, kiến thức ngày một uyên bác[2].

Dần dần Hoàng Tông Hy trở nên nổi tiếng trong giới học thuật, ông trở thành thủ lĩnh trong đệ tử Đông lâm. Thời gian này, tổ chức "Phục xã" đã thành lập để kế tục Đông lâm. Hoàng Tông Hy tham gia tổ chức này và nhanh chóng trở thành người đứng đầu. Sau đó Phục xã biến đổi từ tổ chức học thuật thành tổ chức chính trị, đối lập với phe cánh của các hoạn quan.

Năm 1638, Hoàng Tông Hy cùng 148 người bạn cùng viết "Nam bộ phòng loạn yết" tố cáo phe hoạn quan do Nguyễn Đại Thành đứng đầu.

Năm 1644, quân Thanh tiến vào trung nguyên. Hoàng Tông Hy tổ chức lực lượng chống Thanh là "Thế trung doanh". Phong trào "phản Thanh phục Minh" thất bại, ông bị quân Thanh truy bắt ráo riết, phải thay tên họ, trốn đi biệt tích[3].

Sau một thời gian dài, Hoàng Tông Hy trở về quê nhà, phụng dưỡng mẹ già, xây trường dạy học, đóng cửa viết sách.

Thời Thanh

Nhà Thanh nghe tiếng ông, nhiều lần mời ra làm quan nhưng ông từ chối. Năm 1662, Khang Hy lên ngôi. Ông viết tác phẩm "Minh di đãi phỏng lục". Sách này phê phán sâu sắc các chủ trương kinh tế, văn hóa, chính trị của giai cấp địa chủ, vạch ra mâu thuẫn của chế độ phong kiến Trung Quốc thế kỷ 17, đề xướng chủ trương cải cách. Đây là cuốn sách chống phong kiến mang màu sắc dân chủ khải mông, được xem là "Tuyên ngôn dân quyền" của Trung Quốc thế kỷ 17[4].

Năm 1668, ông bắt đầu biên soạn "Minh văn án". Năm 1675, sách hoàn thành, gồm 217 quyển. Trên cơ sở "Minh văn án", ông biên soạn tiếp "Minh văn hải". Sau 18 năm (1693), sách hoàn thành với 482 quyển. Khi đó Hoàng Tông Hy đã 84 tuổi.

Vì đòi hỏi của công việc biên soạn sách, ông đã đọc duyệt hết các trước tác văn học thời Minh, tìm hiểu căn nguyên cội nguồn tư tưởng của tác giả và các quan hệ, xu thế phát triển học thuật. Ông đã soạn bộ sử Minh nho học án nổi tiếng. "Minh nho học án" có tất cả 62 quyển, ghi chép tình hình phát triển tư tưởng học thuật ở Trung Quốc trong 300 năm thời Minh.

Sau khi soạn xong Minh nho học án, Hoàng Tông Hy đã cao tuổi nhưng vẫn tiếp tục soạn sách "Tống Nguyên học án". Ông hoàn thành được 17 quyển thì qua đời năm 1695, thọ 86 tuổi[5].

Liên quan